Freelancer Việt có đang mất cơ hội lồng tiếng vì “vùng miền” 2021?

Freelancer Việt trong ngành lồng tiếng tương đối phong phú cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngày nay với nhiều yêu cầu đặc thù của từng hình thức và tính chất thu âm mà freelancer Việt trở nên chật vật hơn trong việc tìm hướng đi đúng cho mình. Trong nhiều khía cạnh gây khó khăn thì “giọng vùng miền” chính là một trong những điểm bất lợi cản trở các diễn viên lồng tiếng tham gia vào đa dạng các thể loại.

Yếu tố vùng miền trong giọng nói các diễn viên

Giọng miền Bắc

Các freelancer Việt nào thuộc khu vực miền Bắc quả thực là một điều may mắn bởi đây là tiếng nói gần với tiếng phổ thông của nước ta nhất và cơ hội thu âm trải dài trên nhiều lĩnh vực.

Phát âm của freelancer Việt ngoài Bắc nói chung và dân cư Bắc Bộ nói riêng có lẽ là gần nhất với tiếng phổ thông hiện tại. Do đó giọng đọc miền Bắc đặc biệt phủ sóng khắp mọi ngõ ngách trên sóng truyền hình quốc gia, từ phim truyện, thời sự, các bản tin đến các đơn vị quảng cáo lớn đều ưu ái sử dụng freelancer Việt và diễn viên lồng tiếng Bắc Bộ.

Không thể phủ nhận giọng nói của freelancer Việt miền Bắc rất có sức truyền cảm, sự nhấn nhá và thanh điệu đều dễ đi vào lòng người. Có lẽ chính bởi những ưu điểm lớn này mà freelancer giọng Bắc sẽ có nhiều cơ hội tỏa sáng trong ngành lồng tiếng hơn hẳn những vùng miền khác.

Giọng miền Trung

Có một sự thật không mấy thoải mái rằng freelancer Việt khu vực miền Trung được trao rất ít cơ hội trong ngành lồng tiếng, trừ khi họ chủ động thay đổi giọng nói của mình hoàn toàn theo giọng Bắc hoặc giọng Nam. Bởi so với phần đông, phương ngữ của người miền Trung khác biệt hơn nhiều.

Một số điểm đặc biệt trong phương ngữ của người miền Trung

Miền Trung là một dải đất dài, đóng vai trò như cầu nối hai miền Nam – Bắc do đó tiếng nói cũng phân hóa sâu sắc theo từng địa phương.

  • Vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh): có phương ngữ rất độc đáo. Giọng nói của người ở đây vẫn còn âm hưởng của miền Bắc, song đã xuất hiện nhiều từ ngữ khác hoàn toàn, có sắc thái nặng hơn và âm điệu riêng biệt. Và mặc dù nằm kề cạnh nhau và đều được đánh giá là những vùng có phát âm với sắc thái nặng và khó hình dung nhưng người ở Bình Trị Thiên vẫn khó có thể nghe và hiểu được người Thanh Nghệ Tĩnh nói gì.
  • Vùng Bình – Trị – Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế): Bắt đầu từ Quảng Bình, âm hưởng miền Bắc đã gần như biến mất hoàn toàn. Giọng nói bắt đầu nhẹ đi, đến Huế thì cao hơn, nhẹ bẫng, bay bổng theo một cách rất riêng.
  • Bước qua đèo Hải Vân đến khu vực Quảng Nam trở vào tới miền Nam giọng nói có nhiều thay đổi. Không còn là trạng thái bình bình như từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế mà mang nhiều sắc thái tình cảm rõ ràng hơn, lên xuống linh hoạt hơn tương tự như giọng Bắc.
  • Đi sâu hơn là vùng Ngãi – Bình – Phú với nhiều cách phát âm đa dạng. Vùng này có nhiều ngữ âm rất lạ, lạ với cả người miền Trung và hai miền Nam, Bắc: ghép đại từ + từ “ấy” thành chính đại từ đó, bất luận với dấu gì (anh ấy –> ảnh, chị ấy –> chỉ, bà ấy –> bả,…) và phát âm “v” thành “gi” (đi vô –> đi giô, cái võng –> cái giõng,…).

Giọng miền Nam

Đối với văn hóa phim ảnh du nhập từ nước ngoài, người miền Nam có xu hướng thích xem phim lồng tiếng còn người miền Bắc thích xem phim thuyết minh. Do đó nếu bạn là những freelancer Việt lớn lên tại miền Nam, nói tiếng Nam Bộ hẳn sẽ có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực lồng tiếng phim điện ảnh nước ngoài, đặc biệt là hoạt hình dành cho trẻ em.

Giọng lồng của freelancer miền Nam đặc biệt phù hợp cho các bộ phim nước ngoài như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc bởi sự linh động và phóng khoáng trong cách phát âm. Đặc biệt đối với thể loại phim hoạt hình, giọng miền Nam đều dễ dàng gây được sự thích thú cho trẻ em bởi sự tinh nghịch và ngọt ngào vốn có của voice nữ và sự lanh lợi, hào sảng của voice Nam mà không vùng miền nào sánh được.

Không những là nơi sản sinh ra hàng loạt freelancer Việt thu âm, lồng tiếng chất lượng, thành phố Hồ Chí Minh còn là trung tâm nghệ thuật và truyền thông quảng cáo lớn nhất cả nước, được ví như “miền đất hứa” để các voice talent sinh sống, học tập và xây dựng sự nghiệp.

Vì sao “giọng địa phương” vẫn luôn là rào cản vô hình đối với Freelancer Việt?

Cách đây 3 năm dự án phim “Người phán xử” – bộ phim truyền hình Việt hóa từ kịch bản gốc của Isarel từng rất được yêu thích trên sóng truyền hình quốc gia bất ngờ được đài VTV “ưu ái” tạo ra phiên bản lồng tiếng miền Nam. Thế nhưng nhiều khán giả không đồng tình, la ó và phản đối việc cải biên và lồng tiếng miền Nam cho các nhân vật vốn do người miền Bắc đóng.

Từ đó chúng ta cũng hiểu được phần nào nguyên nhân vì sao diễn viên lồng tiếng miền Nam vẫn chật vật để có chỗ đứng tại địa hạt phim ảnh trên đài VTV – Đài Truyền hình Quốc gia.

Khán giả ngoài Bắc xem các chương trình TV của VTV nhiều hơn hẳn khán giả trong Nam. Nhiều người cũng nhận định “tiếng nói của người miền Nam không đủ “sâu sắc” để biểu đạt tất cả các hỉ nộ ái ố của nhân vật như tiếng nói của người miền Bắc”. Đồng thời cũng có nhận định rằng “chỉ nên lồng tiếng phim truyện nước ngoài, không cần lồng tiếng phim trong nước theo tiếng địa phương nữa. Chẳng lẽ người cùng một nước lại không hiểu tiếng phổ thông của nhau!?”

Tương tự với tình cảnh của “Người phán xử”, và năm 2014 cộng đồng mạng lại được dịp xôn xao vì một phát thanh viên nói giọng Huế xuất hiện trong một bản tin thời sự lúc 12h trưa của của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Phía phản đối cho rằng, đã là đài quốc gia nên có quy chuẩn về một giọng nói chung, và mọi người đều quen với việc nghe tiếng phổ thông, nếu truyền đạt bằng giọng vùng miền sẽ khiến khán giả không nắm được hết thông tin quan trọng, đặc biệt trong một bản tin thời sự chỉ vì “nghe không hiểu”.

Tuy nhiên các chuyên gia lại cho rằng việc mặc định BTV người miền Bắc phát ngôn chuẩn “tiếng phổ thông” của nhiều khán giả là chưa sát sao về mặt chuyên môn. Bởi dù đã có nhiều hội thảo và ý kiến trái ngược về chuẩn ngữ âm của tiếng Việt, song vẫn chưa thể thống nhất hoàn toàn. Bên cạnh đó việc lấy giọng Hà Nội làm chuẩn ngữ âm tiếng Việt là chưa thấu đáo, vì xác định đâu là giọng Hà Nội chuẩn vẫn còn bất khả thi, bên cạnh đó giọng miền Bắc vẫn tồn tại nhiều lỗi nếu so sánh với quy tắc của ngôn ngữ phổ thông.

Việc bình đẳng trong cơ hội lồng tiếng và thể hiện bản thân của các freelancer Việt sẽ còn nhiều khó khăn nếu khán giả đại chúng vẫn có cái nhìn e dè và ngại thay đổi.

Chỉ trông chờ vào thị hiếu của khán giả có thể khiến các Voice Talent bỏ lỡ mất nhiều cơ hội quý giá trong ngành, thay vào đó hãy tập trung và những gì mà giọng nói vùng miền của mình làm tốt hơn phần còn lại.

Freelancer Việt nên tận dụng “giọng vùng miền” của mình như thế nào?

Tận dụng thế mạnh vào sản phẩm thu âm cùng văn hóa

Ngày nay có rất nhiều hình thức thu âm quảng cáo yêu cầu các giọng đọc đặc trưng của một số vùng miền cụ thể để phục vụ cho tệp khách hàng có cùng văn hóa với freelancer lồng tiếng.

Khách hàng trong Nam sẽ có xu hướng hào hứng hơn với quảng cáo giọng miền Nam, người miền Bắc sẽ thích nghe phát thanh tiếng miền Bắc và freelancer Việt nói giọng miền Trung hoàn toàn có thể tham gia lồng tiếng cho phóng sự quê hương, thông tin hình hình bão lũ hiện nay với chất giọng tình cảm và đồng điệu sâu sắc khi nói về quê hương mình.

Tập trung cải thiện và rèn luyện kĩ năng ở những loại hình phù hợp

Đều làm việc trong ngành lồng tiếng, thế nhưng không phải freelancer Việt nào cũng hiểu được rằng mỗi loại hình lồng tiếng lại ưu ái cho một chất giọng vùng miền riêng.

Chẳng hạn như:

  • Nói đến phim thuyết minh kiếm hiệp, tiên hiệp, phim nước ngoài phát trên đài truyền hình quốc gia như VTV, sách audio cho trẻ nhỏ,…người ta nghĩ ngay đến giọng lồng của người miền Bắc.
  • Nói đến phim Châu Tinh Trì, lồng tiếng trong game show, phim truyện đài HTV, radio đọc truyện Nguyễn Ngọc Tư,… người ta nghĩ ngay đến giọng lồng của người miền Nam.
  • Người miền Nam có thể nhại giọng người miền Bắc và ngược lại. Thế nhưng để nói chuẩn phương ngữ người miền Trung trong khi bản thân vốn không thuộc khu vực địa lí này là một vấn đề gian nan. Đây cũng là một trong những lợi thế lớn của người Trung Bộ bởi chỉ có bản thân họ mới diễn đạt được đầy đủ ý nghĩa phương ngữ của mình.
  • Một nhóm freelancer Việt nhỏ lẻ phát ngôn giọng miền Tây chính gốc đều có nhiều cơ hội khi tham gia lồng tiếng cho các kí sự về miền Tây, thuê giọng đọc cho video, clip Youtube về chủ đề sông nước, ẩm thực với sự dân dã và nồng hậu đặc trưng không vùng miền nào có thể “bắt chước” được.

Nắm được những đặc điểm này sẽ giúp các freelancer Việt lựa chọn được loại hình phù hợp với giọng vùng miền của mình, từ đó vạch ra lộ trình làm việc và luyện tập bài bản tập trung vào các loại hình đó.

Thổi hồn vào “nhân vật phim” bằng “tiếng mẹ đẻ”

Nhiều khán giả đã quen với việc xem phim tiên hiệp, cổ trang, kiếm hiệp Trung Hoa bằng giọng thuyết minh miền Bắc có lẽ sẽ phần nào có xu hướng bài xích việc lồng tiếng miền Nam cho các tác phẩm này. Nhưng tôi chắc chắn bạn sẽ phải suy nghĩ lại nếu từng một lần xem bộ phim Tam quốc diễn nghĩa phiên bản lồng tiếng miền Nam do HTV2 tái chiếu.

Không những thay đổi cách người ta nhìn nhận về phim lồng tiếng, freelancer Việt thu âm miền Nam ngày nay còn tích cực tạo lập các giá trị riêng và đóng khung ngôn ngữ của mình trong từng thể loại. Đặc biệt các huyền thoại trong ngành lồng tiếng miền Nam như các cô/chú anh/chị: Bích Ngọc, Bá Nghị, Thế Thanh, Huy Hồ, Thiên Hương,… những người đã thổi hồn vào phim truyện TVB nuôi dưỡng tình yêu phim trong nhiều thế hệ khán giả Việt Nam.

Chắc chắn các thước phim TVB sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi các giọng lồng tiếng miền Nam huyền thoại này.

Những gương mặt đã nêu trên hoàn toàn có thể chứng minh được rằng cơ hội của các freelancer Việt trong ngành lồng tiếng vẫn còn rộng mở, bất chấp những định kiến cố hữu về giọng vùng miền.

Hiện nay sàn thương mại điện tử việc làm tự do Beelancer Việt Nam đã và đang hỗ trợ thuê, tuyển và đăng dịch vụ freelancer lồng tiếng, thuyết minh, thu âm quảng cáo trên cả nền tảng web và mobile app. Tham gia làm việc cùng chúng tôi nhé!

Sandra Bae

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây