Bàn về Lê Diệp Kiều Trang: “Freelancer không phải là khởi nghiệp”

Khởi nghiệp – Freelancer

Khởi nghiệp và freelancer. Đây thực sự là một cuộc chiến ngầm về định nghĩa, diễn ra từ rất lâu, âm ỉ và chưa từng ngã ngũ. Câu nói “Freelancer không phải là khởi nghiệp” của bà Lê Diệp Kiều Trang từng châm ngòi cho nhiều cuộc tranh luận xoay quanh bản chất thực sự của freelancer và liệu freelancer có được coi là một hình thức khởi nghiệp hay không. Hôm nay tôi muốn cho các bạn xem một góc nhìn khác về freelancer và khởi nghiệp, về mối quan hệ rất liên quan giữa chúng.

Freelancer là gì? Khởi nghiệp là gì?

Dù là cuộc đụng độ trực tiếp của freelancer và khởi nghiệp, tôi vẫn muốn làm rõ thêm cho các bạn về khái niệm start-up. Khi chúng ta đã hiểu đầy đủ định nghĩa của bộ ba này, không khó để mỗi người tự tạo cho mình một hệ thống hiểu biết riêng về chúng.

Freelancer là gì?

Freelancer hiểu một cách đơn giản nhất chính là những người làm việc tự do (freelance) không trực thuộc công ty, tổ chức nào, linh động về địa điểm, không gian lẫn thời gian làm việc.

Freelancer làm việc theo dự án, có thời hạn rõ ràng và thường dưới 1 năm. Hầu như mọi freelancer đều có khởi đầu “làm thuê”, đầu quân cho các công ty, sau nhiều năm đã tích lũy đủ kinh nghiệm và chuyên môn, họ mạnh dạn tách ra làm riêng và trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực của mình.

Khởi nghiệp là gì?

Ngày nay người ta dễ đánh đồng khởi nghiệp với khái niệm entrerpreneur (người khởi nghiệp/doanh nhân khởi nghiệp) hay entrepreneurship (tinh thần làm chủ/ tinh thần khởi nghiệp), dù thực tế entrepreneur mang ý nghĩa rộng lớn hơn và bao trùm cả start-up.

Khởi nghiệp có thể được cắt nghĩa theo hai hướng:

  • Khởi nghiệp (khởi sự kinh doanh) là một quá trình tự thân lập nghiệp của một cá nhân, trên nền tảng kinh nghiệm nghề nghiệp sẵn có của họ.
  • Khởi nghiệp (start-up) thường được hiểu là một nhóm người có chung chí hướng, có ý tưởng độc đáo và muốn đem nó ra thị trường, họ thành lập công ty để phát triển sản phẩm đó, khiến nó sinh lãi. Lúc này “khởi nghiệp” và “start-up” có thể hiểu như nhau.

“Freelancer không phải là khởi nghiệp!?”

Câu nói trên của bà Lê Diệp Kiều Trang không hề sai, có chăng nó chưa đầy đủ về mặt ý nghĩa và dễ khiến người ta hiểu lầm. Chúng ta vẫn đang gán cho “khởi nghiệp” một ý nghĩa tập thể, tương tự như cách người ta dùng start-up và khởi nghiệp tương đương nhau, dễ dàng thay thế cho nhau.

Nói qua một chút về bà Lê Diệp Kiều Trang, người từng là cựu CEO của Fossil Việt Nam, Facebook và Google, hiện bà đang cùng chồng là Sonny Vũ điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm Alabaster. Quỹ này hiện đang đầu tư vào hơn 25 start-up trên khắp thế giới. Có lẽ vốn là người “trong ngành”, nên nhận định bà Trang nhận được rất nhiều sự đồng thuận, bên cạnh đó cũng khiến một bộ phận freelancer cảm thấy không thoải mái.

Lê Diệp Kiều Trang trong bài viết trên Facebook cá nhân, cho rằng một số bạn trẻ ngày nay tuy chuyên môn rất tốt nhưng lại lầm tưởng con đường mình đang đi là khởi nghiệp thực chất lại là freelancer. Bà cũng khẳng định rõ ràng: “Freelancer không phải là khởi nghiệp.”

Bà đưa ra dẫn chứng từ “bong bóng chứng khoán” những năm 2005, 2006, những cuộc đầu tư, thậm chí là “đầu cơ” của sinh viên ngân hàng bấy giờ đến tình trạng hiện tại trong ngành công nghệ, các kĩ sư máy tính, chuyên gia digital marketing, chuyên viên thiết kế,… sau một vài năm làm cho công ty lại quyết định đánh lẻ, có những khách hàng riêng và chuyển hẳn sang làm freelancer. Đối với bà, những quyết định này sẽ không đưa đến kết quả lâu dài, con đường mà họ đang đi là freelancer và 95% không rẽ sang hướng khởi nghiệp.

Để chứng minh cho những nhận định đó, bà đưa ra hai quan điểm lớn:

  • Thứ nhất, khởi nghiệp cần có sự đầu tư nghiêm túc về chuyên môn: về các lập trình viên full-stack, chuyên môn của các freelancer đóng khung trong những lĩnh vực cụ thể, khi thực hiện dịch vụ outsource cho khách hàng họ sẽ chỉ làm các công việc đơn giản và đánh mất cơ hội đi sâu hơn, tìm vào “cái lõi” của sản phẩm công nghệ – thứ chỉ có thể xây dựng được từ chính đội ngũ công ty.
  • Thứ hai, khởi nghiệp đòi hỏi một người lãnh đạo: bà Trang cũng cho rằng, kinh nghiệm khởi nghiệp chỉ thực sự có được khi bạn trưởng thành từ một tập thể. Các kĩ năng của một nhà lãnh đạo như: tập hợp đội ngũ, giải quyết bất đồng, định hướng công ty,… phải được rèn dũa trong môi trường doanh nghiệp, đồng thời để phát triển một sản phẩm, dịch vụ thì kĩ năng của freelancer là không bao giờ đủ để đáp ứng. Tuy nhiên nó chỉ đúng đối với hành trình của một doanh nghiệp mới, và không đúng đối với sự nghiệp của một cá nhân.

Nếu nhìn ở khía cạnh khởi nghiệp thực chất là bắt đầu hành trình kinh doanh, cụ thể hơn là bắt đầu sự nghiệp nên nền tảng một nghề nghiệp thay vì quá trình thành lập doanh nghiệp xoay quanh việc xây dựng, sáng tạo và phát triển một sản phẩm mới mẻ hoặc có ý nghĩa đáp ứng nhu cầu của thị trường, thì việc kinh doanh trên vốn tự có (tài trí, sức khỏe, năng lực bản thân) như cách các freelancer đang làm, “khởi nghiệp” và “lập nghiệp” hay làm freelancer có thể hiểu như nhau. Nói cách khác, trở thành freelancer cũng là một con đường khởi nghiệp.

Người trẻ đã khởi nghiệp với tư cách là freelancer như thế nào?

Start-up trước đây thường được ngầm hiểu đại diện cho các công ty công nghệ. Ngày nay trước muôn mặt của nền kinh tế, hành trình khởi nghiệp có thể bắt đầu từ bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào, thuộc bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống xã hội, miễn có thể sinh lời và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tư duy cho rằng khởi nghiệp cần sự chuẩn bị và dốc lòng của một tập thể thì mới thành công là chưa chính xác và thực sự thấu đáo. Có rất nhiều cá nhân, xuất phát từ freelancer đã dấn thân vào con đường khởi nghiệp, “MỘT MÌNH” và cực kì thành công, theo cách của riêng họ.

Ví dụ tiêu biểu trong lĩnh vực Digital marketing, những freelancer chuyên chạy quảng cáo (Facebook, Google, Zalo, Instagram, Tiktok,…) sẽ ngày càng trở nên chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình bởi họ chỉ cần tập trung vào thứ mà mình giỏi nhất. Đến một thời điểm nào đó khi đã là các chuyên gia chạy ads rồi, họ bắt đầu triển khai các khóa học, trở thành “thầy” dạy cho các học viên khác muốn tham gia vào lĩnh vực này. Đào tạo online là xu hướng rất sáng và không ít người đã thành công với nó.

Hoặc những freelancer chuyên nghiệp khi bắt đầu hành trình viết lách và trở thành tác giả, họ nghiên cứu và xuất bản các cuốn sách, ebook về lĩnh vực chuyên môn của mình như: sách về bí thuật viết content sao cho thu hút; sách “300 bài code thiếu nhi” đình đám, từng giúp nhiều bạn trẻ bén duyên với lập trình, sách hướng dẫn về tư duy thiết kế,… Tất cả những nghề nghiệp mới này, đều được phát triển từ kinh nghiệm sống, làm việc, từ cái nôi là freelancer. Chúng đều có thể xem là khởi nghiệp tự thân, là thành công bởi đã đóng góp giá trị cho hàng ngàn độc giả khắp cả nước.

khởi nghiệp start-up
300 bài code thiếu nhi là đầu sách khá “bí hiểm”, từng được truyền tai nhau trên diễn đàn voz.vn về độ bá đạo của nó

Gần như freelancer nào cũng từng trưởng thành trong môi trường tập thể và họ đã chọn rời xa tập thể. Ngày càng nhiều người tham gia làm việc freelancer toàn thời gian cho thấy một tương lai tất yếu rằng con người có xu hướng muốn làm chủ công việc và sự nghiệp riêng, do đó những nhận định cố hữu về tinh thần khởi nghiệp từ đội nhóm cần được cân nhắc lại.

Khởi nghiệp không phải lúc nào cũng là hành trình của một tập thể, bắt đầu từ con số không, từ các nhà sáng lập, đồng sáng lập đến gây dựng một đội nhóm, có cơ chế quản lí và hệ thống rõ ràng của một công ty. Khởi nghiệp đôi khi chỉ là hành trình tự thân của một cá nhân, dứt mình khỏi môi trường làm thuê tập thể, tìm cho mình một lối đi riêng và bắt đầu sự nghiệp với chuyên môn sẵn có của mình. Họ là những freelancer, và họ đang “khởi nghiệp” một cách chân chính, tự do.

Sandra Bae

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.